Tổ chức đám cưới trước cửa Phật là một trong những nét văn hóa cưới xin độc đáo, linh thiêng của người Việt.
Năm 1940, đám cưới của con gái bác sĩ Lê Đình Thám được tổ chức tại chùa Tư Đàm, Huế. Đây chính là đám cưới đầu tiên nơi cửa Phật với sự minh chứng của các chư Tăng. Tới năm 1971, hòa thượng Thích Thiện Hòa đã dùng hai từ Hằng Thuận để đặt tên cho đám cưới nơi cửa Phật.
Chiếc cầu nối giữa Đạo với Đời
Ngày nay, có rất nhiều các cặp đôi nam nữ Phật tử hay chưa trở thành Phật tử lựa chọn tổ chức đám cưới tại chùa bởi sự linh thiêng và ý nghĩa chỉ có nơi cửa Phật mới có. Việc quan trọng đầu tiên đó là gia đình hai bên phải tới chùa để xin ý kiến và sự đồng ý từ sư thầy trụ trì chùa rồi mới bắt đầu chuẩn bị các công đoạn tổ chức đám cưới.
Thông thường, chủ trì cho đám cưới sẽ là một vị chư tăng hay một vị hòa thượng. Đám cưới sẽ được tổ chức tại chính điện của chùa. Một chiếc bàn dài sẽ được kê ở chính điện và các vị hòa thượng sẽ đứng ở phía sau chiếc bàn còn họ hàng hai bên gia đình sẽ đứng theo quy chuẩn nam tả, nữ hữu (nhà trai bên trái, nhà gái bên phải). Trước khi bắt đầu buổi lễ. sư thầy trụ trì sẽ hỏi cô dâu chú rể đã quy y chưa, nếu như cả hai chưa quy ý, sư thầy chủ trì sẽ thực hiện lễ quy y cho cô dâu chú rể sau đó tới lễ cầu an và tiếp theo mới đến lễ cưới.
Cô dâu và chú rể sẽ tới quỳ trước bàn thờ Phật để cùng đọc lời nguyện và tiếp nhận lời ban phước cùng những lời răn dạy của người chủ trì. Sau đó cô dâu chú rể thực hiện nghi thức phu thê giao bái và trao nhẫn cưới. Cả hai sẽ cùng nghe sư thầy chủ trì buổi lễ nói về ý nghĩa của nghi thức trao nhẫn cưới và giảng dạy những điều răn dạy về ý nghĩa cuộc sống hôn nhân theo tinh thần của Đạo Phật.
Kết thúc buổi lế, người đại diện cho hai bên gia đình sẽ đứng trước bàn thờ Phật và hứa với Đức Phật và chư tăng về việc chỉ bảo, răn dạy cô dâu và chú rể nên người, xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình.
Sau đó hai bên gia đình sẽ mời sư thầy và các vị chư tăng cùng với họ hàng, bạn bè, khách mời tham dự tiệc cưới chay.
Đám cưới là nghi thức trọng đại trong cuộc đời của mỗi con người. Đám cưới tổ chức nơi của Phật lại càng mang một ý nghĩa tâm linh sâu xa đối với các cặp uyên ương Phật Tử. Dưới sự chứng kiến của Đức Phật và khói hương ngào ngạt, với tiếng kinh màu nhiệm, trong sắc vàng rực rỡ của y phục và lời chỉ bảo, khuyên dạy từ chư tăng, đám cưới được diễn ra trong một không khí vô cùng trang nghiêm và thành kính, đó sẽ là sự chắp cánh cho cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, bay bổng giữa hai bờ linh thiêng và trần tục.
Sư thầy Quảng Kiến cho hay, hằng thuận có nghĩa là đám cưới tại chùa. Khi đứng trước bàn thờ Tam Bảo, cặp uyên ương Phật tử sẽ cùng nhau phát nguyện ước cùng chung sống hạnh phúc dựa theo 5 nguyên tắc cơ bản về đạo đức của Phật Giáo.
Nét đẹp văn hóa đám cưới nơi cửa Phật tạo nền tảng của tâm linh con người hướng thiện và lời hẹn ước trước Tam Bảo như sự nâng đỡ của Đức Phật để đôi uyên ương có sức mạnh vượt qua được những khó khăn trắc trở trong cuộc sống hôn nhân.