Hóa giải các bất đồng trong quá trình chuẩn bị đám cưới - Phần 1
Nếu biết cách hóa giải những bất đồng dưới đây, bạn sẽ hoàn toàn thư giãn và thỏa mái tận hưởng ngày vui, ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời.
Ngày cưới đang cận kề, bên cạnh những cặp đôi sốt sắng lo cho bữa tiệc cưới, chuẩn bị mọi công việc cho tiệc cưới thì vẫn còn không ít cặp đôi rơi vào tình trạng bất đồng về cách tổ chức và chuẩn bị. Những vấn đề này gây nên không ít những mệt mỏi cho người thân hai bên gia đình mà thậm chí còn gây stress, áp lực cho các cô dâu chú rể trước ngày cưới.
-
Khác biệt về văn hóa tổ chức đám cưới từng vùng miền
Ở Việt Nam, phong tục đám cưới tại 3 miền đều có những sự khác biệt và những nét đặc trưng riêng. Tới khi sắp cưới, cô dâu chú rể lại muốn thành hôn theo những phong tục ở quê hương của mình, trong khi người còn lại thì lỡ quên đi hoặc muốn bỏ qua nó. Đặc biệt với các vị phụ huynh, phong tục cưới là điều rất quan trọng, không thể xuề xòa, vì vậy việc bất đồng về các nghi lễ đám cưới có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa hai bên gia đình và khiến cặp đôi cô dâu chú rể khó xử.
Cách giải quyết:
– Bình tĩnh, chuyện trò một cách cởi mở và có tâm lý tiếp thu, học hỏi các phong tục tại quê hương của người bạn đời tương lai
– Thống nhất điều gì cần giữ, những việc gì có thể bỏ qua.
-
Chi phí cho đám cưới
Không phải lúc bất cứ lúc nào mọi thứ cũng sẽ suôn sẻ, trong đó, bài toán về chi phí được xem là bài toán khó nhất, dễ khiến bạn đau đầu và xảy ra tranh cãi với bạn đời khi các khoản phát sinh quá nhiều và không đủ khả năng chi trả. Bên cạnh đó, việc phân chia các khoản ngân sách, ai chi tiền cho khoản gì dễ gây ra sự mâu thuẫn.
Cách giải quyết:
– Chi trả cho đám cưới đó là trách nhiệm của cả hai người. Trước đám cưới từ 1 năm, hai bạn nên dành dụm tiền và lên kế hoạch chi tiêu chi tiết cho ngày trọng đại.
– Vạch ra bản kế hoạch mua sắm, chi trả cho những dịch vụ cưới một cách chi tiết, kỹ lưỡng.
– Bạn nên chỉ chi tiêu 80% ngân sách cho đám cưới của mình, đề phòng khi gặp các trường hợp phát sinh, bạn có thể lấy 20% khoản ngân sách còn lại bù vào mà không phải lo lắng, vất vả vay mượn, xoay xở.
- Sắm sửa cho ngôi nhà chung mới
Tâm lý bỡ ngỡ và hào hứng khi vừa chuyển về ngôi nhà mới cùng người bạn đời là tâm lý chung của các cô gái sắp cưới. Đa số những cô dâu sẽ thiết kế, sắp xếp mọi thứ theo như ý mình như một bà chủ đích thực của gia đình, trong khi đó nhiều chú rể lại thấy không cần thiết phải quá chú tâm vào chuyện đó tới vậy.
Cách giải quyết:
– Việc mua sắm cho nhà chung mới cái gì cần thiết thì mới mua, nếu không cần thì bạn nên hạn chế.
– Mua sắm phù hợp với ngân sách và điều kiện kinh tế của cả hai người.
– Mọi thay đổi trong căn nhà chung mới cần làm từ từ sau khi cuộc sống của hai người đã ổn định.